Đau vai gáy: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Đau vai gáy là căn bệnh cột sống cổ phổ biến thường gặp ở những người cao tuổi. Không chỉ khiến người bệnh cảm thấy đau mỏi mà đau vai gáy còn là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh xương khớp nguy hiểm như thoát vị đĩa đệm cổ, thoái hóa đốt sống cổ.
Nội dung bài viết
1. Chứng bệnh đau vai gáy là gì?
Đau vai gáy là tình trạng cơ vùng vai gáy co cứng gây đau, người bệnh hạn chế vận động khi quay cổ, quay đầu. Chứng đau vai gáy thường xuất hiện vào buổi sáng. Ban đầu, người bệnh chỉ cảm thấy đau nhẹ, mỏi vùng vai gáy và không thể quay đầu thoải mái, chỉ nghiêng sang trái hoặc sang phải được. Tình trạng này thường xuất hiện sau khi lao động nặng, cơ thể mệt mỏi, căng thẳng hoặc nhiễm lạnh.
2. Nguyên nhân gây đau vai gáy
2.1. Nguyên nhân cơ học
- Do nằm ngủ sai tư thế: nằm gối quá cao, thường dựa đầu vào ghế, thói quen hay nằm nghiêng và nằm co người,… sẽ ảnh hưởng đến quá trình cung cấp oxy và máu cho các tế bào cơ, cơ bị co cứng dẫn đến đau nhức.
- Thói quen tắm đêm, ngồi lâu trước quạt, ngồi trong môi trường máy lạnh thời gian dài là các yếu tố làm rối loạn hệ mạch, hệ thần kinh điều khiển việc cung cấp dưỡng chất cho cơ vùng vai gáy.
- Những người thường phải làm việc quá sức, làm việc nặng cũng khiến cơ bị kéo căng và co cứng, gây mỏi và đau vai gáy.
- Đau vai gáy cho chấn thương tai nạn hoặc vận động, chơi thể thao.
2.2. Một số bệnh xương khớp gây ra chứng đau vai gáy
Đau mỏi vai gáy không chỉ là hiện tượng đau mỏi thông thường mà còn có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý xương khớp nguy hiểm. Cụ thể như sau:
- Thoái hóa cột sống cổ:
Người bệnh bị thoái hóa cột sống cổ thường có biểu hiện đau mỏi vai gáy do phần sụn khớp bị tổn thương, các gai xương dần xuất hiện và chèn vào dây thần kinh ở vai gáy. Triệu chứng điển hình của bệnh lý này là người bệnh thường thấy đau mỏi gáy và bả vai khi thức dậy. Độ tuổi thường bị thoái hóa cột sống cổ là trên 40 tuổi.
- Vôi hóa cột sống:
Cột sống bị vôi hóa và phát triển dần thành gai xương do canxi đọng lại tại dây chằng và bám vào đốt sống, đĩa sụn. Các chồi xương này khiến rễ thần kinh trong ống sống bị chèn ép dẫn tới đau cổ, đau vai gáy và đau đầu thường xuyên.
- Rối loạn chức năng thần kinh:
Khi các dây thần kinh ở vùng vai, gáy bị kéo giãn quá mức sẽ gây đau mỏi vai gáy, cơ thể mệt mỏi, người bệnh dễ xúc động.
- Rối loạn khớp bả vai lồng ngực:
Đây là nguyên nhân đau mỏi vai gáy thường thấy ở những người làm việc văn phòng, thợ may, lái xe phải ngồi liên tục trong nhiều giờ liền. Các cơ bị căng giãn trong thời gian dài gây nên hiện tượng đau mỏi vai gáy. Một số người bệnh còn không thể cúi đầu hay xoay cổ.
- Viêm bao khớp vai:
Dấu hiệu nhận biết bệnh lý này là người bệnh thường đau một bên khớp vai khi trời trở lạnh hoặc lúc nửa đêm. Người bệnh sẽ gặp khó khăn khi vòng tay ra sau hoặc với đồ trên cao.
3. Triệu chứng của bệnh đau vai gáy
- Cảm giác đau cổ vai gáy vào sáng sớm. Mức độ đau nhức tăng lên khi người bệnh hoạt động mạnh, lao động nặng nhọc.
- Cơn đau không chỉ xuất hiện ở vai, gáy mà dần lan sang cổ, bả vai, cánh tay và lưng. Ở giai đoạn nặng, người bệnh bị tê tay, rối loạn cảm giác các chi, đau nửa đầu, hạn chế khả năng vận động và khó giữ thăng bằng khi di chuyển.
- Cơn đau mỏi vai gáy có thể ảnh hưởng tới vùng đầu khiến người bệnh thường xuyên bị hoa mắt, chóng mặt, ù tai, đau đầu do lượng máu lưu thông lên não giảm. Nhiều trường hợp người bệnh còn bị mất ngủ, sức khỏe suy giảm.
- Cổ bị cứng, khó cử động linh hoạt, không thể quay phải quay trái hay đưa cổ lên xuống.
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng đau vai gáy thường xuất hiện trong thời gian ngắn, kéo dài vài giờ đến vài ngày. Ở giai đoạn nặng hơn, các cơn đau mỏi vai gáy có thể kéo dài của tháng làm người bệnh mất dần khả năng vận động. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu triệu chứng nêu trên, người bệnh nên đi thăm khám tại các cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời. Điều trị càng sớm thì khả năng điều trị bệnh dứt điểm và hiệu quả càng cao, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
4. Phương pháp điều trị đau mỏi vai gáy
4.1. Trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ
Nếu các cơn đau mỏi vai gáy xuất hiện với tần suất ít, tự khỏi trong vài giờ thì bệnh vẫn ở mức độ nhẹ. Người bệnh có thể tự điều trị tại nhà để giảm cơn đau như sau:
- Không cố gắng quay đầu, quay cổ quá nhiều. Người bệnh nên nằm nghỉ ngơi hoặc di chuyển nhẹ nhàng, không mang vác vật nặng.
- Khi bị đau mỏi vai gáy không nên ngồi trước quạt và điều hòa vì cơ có thể bị nhiễm lạnh và căng cứng hơn.
- Bệnh nhân có thể chườm ấm vùng cổ vai gáy hay chiếu đèn hồng ngoại, kết hợp xoa bóp để máu lưu thông, cơ được thư giãn.
- Khi tắm nên sử dụng nước ấm, không tắm bằng nước lạnh.
4.2. Sử dụng thuốc giảm đau cấp tính
Với các trường hợp đau vai gáy do cơ học, không có tổn thương xương khớp nghiêm trọng thì người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau để điều trị như:
- Nhóm thuốc kháng viêm không steroid
- Thuốc giảm đau Paracetamol, Aspirin kết hợp với codein giúp giảm các triệu chứng đau mỏi vai gáy.
- Thuốc giãn cơ được dùng cho các trường hợp đau cấp, cơ co cứng, khó vận động.
- Thuốc giảm đau thần kinh như gabapentin, pregabalin giúp giảm cảm giác khó chịu của cơn đau, thư giãn cơ thể, giãn cơ.
- Nhóm thuốc chống trầm cảm được sử dụng cho người bệnh đau mỏi vai gáy mãn tính, rối loạn giấc ngủ.
- Bổ sung vitamin nhóm B.
Người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc mà cần tuân theo hướng dẫn chỉ định của bác sĩ. Vì nếu không sử dụng đúng liều thuốc, người bệnh sẽ gặp phải các tác dụng phụ nguy hiểm như viêm loét dạ dày, thủng dạ dày, sỏi thận, xuất huyết tiêu hóa,…
4.3. Biện pháp vật lý trị liệu chữa đau vai gáy
Vật lý trị liệu được đánh giá là phương pháp có hiệu quả cao trong việc điều trị bệnh đau mỏi vai gáy vì giảm thiểu tốt các biến chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát. Phương pháp sử dụng tác nhân vật lý tự nhiên hoặc nhân tạo, tác động vào vùng tổn thương ở vai gáy. Một số phương pháp vật lý trị liệu thường được sử dụng là:
- Châm cứu: Bác sĩ sử dụng kim châm y tế tác động vào các huyệt vị giúp lưu thông khí huyết, giảm co thắt cơ gây đau nhức. Đây là phương pháp vật lý trị liệu Đông y mang lại hiệu quả điều trị cao.
- Xoa bóp, bấm huyệt: Phương pháp chủ yếu sử dụng lực của bàn tay, ngón tay tác động vào các huyệt đạo vùng vai lưng giúp lưu thông máu, cơ thể thư giãn, giảm nhức mỏi.
- Nhiệt trị liệu: Đây là phương pháp sử dụng nguồn nhiệt nóng để lưu thông tuần hoàn, dưỡng sinh cơ thể, chống co cơ, giảm đau cho người bệnh.
- Siêu âm hồng ngoại: Có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu, kháng viêm, giãn cơ và giảm đau nhức cơ.
- Sóng ngắn: Đây là phương pháp sử dụng sóng âm tạo nhiệt nóng tác động vào vùng đau mỏi giúp tăng cường chuyển hóa, giảm phù nề và chống viêm.
Hiện nay, người bệnh đau vai gáy chủ yếu sử dụng thuốc giảm đau hay các phương pháp vật lý trị liệu nêu trên để làm dịu cơn đau. Tuy mang lại hiệu quả giảm đau cao nhưng cũng chỉ hạn chế cơn đau trong thời gian ngắn và bệnh dễ tái phát trở lại. Chỉ khi xác định đúng nguyên nhân gây đau mỏi vai gáy và điều trị đúng cách, người bệnh mới có thể chữa trị hoàn toàn. Vì vậy, khi có các dấu hiệu đau mỏi vai gáy kéo dài, người bệnh nên đi khám kịp thời tại các cơ sở y tế để can thiệp điều trị, rút ngắn thời gian và chi phí điều trị sau này.
- Hỗ trợ duy trì và bảo vệ sụn khớp, tăng tiết dịch khớp
- Hỗ trợ giảm triệu chứng viêm khớp, thoái hóa khớp
- Hỗ trợ giảm đau do khô khớp, giúp khớp vận động linh hoạt